Khánh thành Bia tị nạn tưởng niệm thuyền nhân ở nước Đức


2007.05.01

Minh Thuỳ, đặc phái viên đài RFA

Sau 9 tháng hoạt động vừa quyên góp tài chánh, vừa đặt công trình xây dựng, ngày 28.04.2007 cộng đồng người Việt tị nạn tại nước Đức đã vui mừng về Troisdorf tham dự ngày lễ khánh thành Bia tị nạn tưởng niệm thuyền nhân. Từ nước Đức, Minh Thùy, đặc phái viên của RFA gửi về bài tường trình sau đây.

VnBoatPeopleGermany150.jpg
Bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Troisdorf, Đức hôm 28-4-2007. Hình của NguyenHH.

Hơn 1400 người Việt từ nước Đức và châu Âu đã tập họp tại thành phố Troisdorf vào ngày 28.04.2007 dự lễ khánh thành Bia tị nạn tưởng niệm thuyền nhân, những người vượt biển tìm tự do, không gặp may đã chết trên biển cả, đồng thời bày tỏ lòng tri ân với nhân dân và chính phủ Đức đã cứu giúp cộng đồng người Việt tị nạn hơn 30 năm qua.

“Danke! Danke! Danke! Chúng tôi ghi nhớ công ơn của nhân dân và chính phủ Đức đã cứu giúp người tị nạn Việt Nam.”

Tri ân

Sau khi hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân ở Indonesia và Malaysia bị phá bỏ theo yêu cầu của nhà nước Việt Nam thì cộng đồng người Việt ở các nước bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng Bia tị nạn ngay tại nước mình cư trú. Hai tấm bia tị nạn ở Thụy Sĩ và Bỉ đã hoàn thành.

Đến hôm nay là tấm bia tị nạn ở nước Đức. Ông Nguyễn thanh Văn, chủ tịch Ủy ban điều hợp xây dựng Bia tị nạn, trình bày lý do và cảm nghĩ tại buổi lễ:

“Cuộc ra đi tìm tự do của người Việt không chỉ bằng những chiếc thuyền mong manh trên biển đông mà còn bằng tất cả phương tiện, ngõ ngách từ biên giới Cambodia, Thái lan, Lào, Trung quốc và ngay cả vượt bức tường Berlin vào cuối thập niên 80.

Họ chết để cho chúng ta sống, họ chết để chúng ta có được ngày hôm nay, họ chết để chính nghĩa đấu tranh cho tự do của ngưòi Việt Nam thêm sáng tỏ. Xin hãy tưởng nhớ đến họ, cầu nguyện cho họ. Ai trong chúng ta trên bước đường tìm tự do đã từng sống trong những giờ phút kinh hoàng, tuyệt vọng, cận kề cái chết, thậm chí bị xua đuổi thì mới thấm thía được ơn cứu vớt.

Người may mắn đến được bến bờ tự do, kẻ bất hạnh phải vùi thây trong lòng biển cả hay rừng sâu, con số lên đến 500.000 người. Chính những cái chết oan khiên của những đồng bào kém may mắn này đã gây kinh hoàng, xúc động cho cả thế giới, khiến cho các nước đã mở rộng vòng tay nhân ái đón thêm người Việt tị nạn chúng ta.

Họ chết để cho chúng ta sống, họ chết để chúng ta có được ngày hôm nay, họ chết để chính nghĩa đấu tranh cho tự do của ngưòi Việt Nam thêm sáng tỏ. Xin hãy tưởng nhớ đến họ, cầu nguyện cho họ. Ai trong chúng ta trên bước đường tìm tự do đã từng sống trong những giờ phút kinh hoàng, tuyệt vọng, cận kề cái chết, thậm chí bị xua đuổi thì mới thấm thía được ơn cứu vớt.

Theo truyền thống của người Việt Nam chúng ta xin tri ân những ân nhân với tấm lòng nhân ái, đã cứu vớt chúng ta trong cơn thập tử nhứt sinh. Xin được tri ân những quốc gia đã tiếp nhận và cho chúng ta một cuộc sống tự do, hạnh phúc, sống với đúng nhân phẩm con người mà chính trên quê hương của chúng ta người dân không có được.

Đó là những lý do mà cộng đồng người Việt tị nạn tại CHLB Đức thực hiện tấm bia tị nạn tại thành phố Troisdorf này. Ngoài ra còn để xác định lập trường chính trị của cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta là không chấp nhận chế độ độc tài cộng sản hiện nay tại Việt Nam.”

Từ ngữ “người Việt tị nạn” ở nước Đức, không phải chỉ nhắc đến những thuyền nhân mà bao gồm cả những người vượt biên đường bộ qua biên giới Kampuchia-Thái lan, qua biên giới Đông Âu và bức tường Berlin.

Sau khi được chấp nhận nhập trại tị nạn, tất cả người xin tị nạn dù còn trong thời gian chờ phỏng vấn, đều được chính phủ Đức giúp đỡ đầy đủ, từ nhà ở, trợ cấp đời sống: quần áo, lương thực, bảo hiểm y tế, học nghề, học vấn cho người lớn và trẻ em, với sự tôn trọng nhân phẩm, không phân biệt sắc tộc.

Rất nhiều ngưòi đến nước Đức với hai bàn tay trắng nay đã lập nghiệp, con cái học tập tốt, thành danh với đời và có cuộc sống ổn định, vì thế người Việt tị nạn ở đây luôn biết ơn nhân dân và chính phủ Đức. Đặc biệt là chính quyền ở thành phố Troisdorf, quê hương của Tiến sĩ Ruppert Neudeck, nơi dành nhiều tấm lòng quí mến với người Việt.

Hành trình tìm tự do

VnBoatPeopleGermaCere200.jpg
Lễ khánh thành bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Troisdorf, Đức hôm 28-4-2007. Hình của NguyenHH.

Tại buổi lễ ông Manfred Uedelhofven, thị trưởng thành phố Troisdorf, nói: “Các bạn Việt Nam thân mến, từ 30 năm nay chúng tôi vẫn được nghe kể về những cố gắng vượt bực của thuyền nhân Việt Nam đã vượt biển đông trên những con thuyền nhỏ bé, chịu đựng nhiều gian khổ để đi tìm tự do.

Tiến sĩ Neudeck và các bạn của ông đã xây dựng con tàu Cap Anamur đi cứu vớt thuyền nhân, đưa các bạn đến nước Đức.

Chúng tôi từng trải qua đau khổ trong chiến tranh nên rất thông cảm với các bạn. Chiếc ghe vượt biển còn giữ ở đây chính là biểu tượng tìm tự do của người Việt Nam, các bạn đã đến đây cùng sống, làm việc với chúng tôi.

Chính những kinh nghiệm gian khó với niềm tin, hy vọng đã giúp các bạn mau xây dựng cuộc sống mới ở nước Đức. Tôi tin là niềm hy vọng tương lai với tự do và hòa bình chắc chắn sẽ đến với nước bạn.”

Thuyền trưởng Manfred Schandez của con tàu Anja Leonhard từng cứu vớt 110 thuyền nhân Việt Nam vào năm 1985 cũng được cộng đồng người Việt tìm lại, mời đến tham dự buổi lễ, ông rất xúc động khi nhớ lại chuyện cũ, nhìn thấy chiếc ghe vượt biên, đặt gần bia tị nạn.

Trong số đông đảo đồng bào tị nạn, có một thuyền nhân đeo trên người một tấm ảnh khá lớn chụp hình con tàu Cap Anamur ngày nào đã cứu giúp ông cùng những thuyền nhân khác vào năm 1982, đây là tấm hình treo trên tường nhà ông suốt 30 năm nay, ông Đỗ văn Nho nói:

“Tôi từng là máy trưởng của chiếc ghe chở 140 người vượt biên hồi đầu năm 82 ra cửa Vàm Láng. Trên đường vượt biển tới Mã Lai, 2 ngày thì gặp tàu hải tặc Thái Lan, nó đã giết chết phụ nữ và đàn ông để cướp của, quăng xác xuống biển, số người chết là 41 người.

Còn lại 99 người được tàu Anamur cứu vớt trên biển đông đưa vô đảo Palawan. Chúng tôi sống cách đây rất xa, hơn 500 cây số, xa hơn Stuttgart, hôm nay tới đây để tưởng nhớ công ơn những người trên tàu Cap Anamur đã cứu sống chúng tôi và nhìn bức tượng-tấm bia- để tưởng niệm những thuyền nhân đã bỏ Việt Nam ra đi, những vong linh đã chết trên biển cả. Hôm nay không tới đây thì tôi không thể nào vui được, khi nào chết đi thì bức hình con tàu này tôi cũng xin mang theo.”

Trong khi buổi lễ đang tiến hành nhiều người Đức sống gần đó hay đi ngang qua, đã dừng lại hỏi thăm và cùng tham dự. Chị Lý thị Khiếu, một người rất tích cực góp tay xây dựng Bia tị nạn đã trò chuyện với vài người Đức tại đây, chị kể chuyện:

Tôi từng là máy trưởng của chiếc ghe chở 140 người vượt biên hồi đầu năm 82 ra cửa Vàm Láng. Trên đường vượt biển tới Mã Lai, 2 ngày thì gặp tàu hải tặc Thái Lan, nó đã giết chết phụ nữ và đàn ông để cướp của, quăng xác xuống biển, số người chết là 41 người.

“Tôi có gặp người Đức hỏi tôi, hôm nay làm lễ gì thì tôi nói là chúng tôi khánh thành Bia tị nạn để cám ơn người Đức và tưởng nhớ những ngưòi chết trên biển thì họ rất cảm động.

Họ nói rằng sau 30 năm mà cái ơn nghĩa này những người Việt không quên, họ rất hãnh diện vì từ trước tới giờ thế giới nhìn nước Đức như là một nước từng gây ra nhiều tội ác mà bây giờ những người Việt được cứu sống đã chứng minh cho thế giới thấy những người làm tội ác đã biết ăn năn và làm được việc tốt lành nên họ cám ơn lại người Việt Nam.

Trong những lần chúng tôi tổ chức gây quĩ, thì ai cũng vui và hãnh diện vì thấy những ngưòi Việt không quên ơn. Hồi trước họ không biết người Việt là ai, nhưng họ nhìn thấy những thảm cảnh thuyền nhân chết trên biển mà họ đã cứu vớt, đã đóng góp tiền.

Có một ông nhạc sĩ Đức là ông Vader Abraham đã làm bản nhạc là Thuyền không bến, tiếng Đức là Boote ohne Hafen. Lúc đó tôi chưa hiểu tiếng Đức, nhưng bây giờ nghe hát lại bài hát này tôi thật lấy làm cảm động.

Nếu không có sự cứu vớt của người Đức thì ngày nay tôi không thể nào có tiếng nói cho những người trong nước đang chịu tù tội, đang bị bịt miệng như cha Lý.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.