Blog BBC Vietnamese homepage

Xã hội tư bản là 'của 1%, do 1% và vì 1%'?

Nguyễn Hùng Nguyễn Hùng | 2011-10-19, 16:06

Bình luận (0)

Người biểu tình ở Đài Bắc lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall

Các cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall đã lan ra nhiều nước trên thế giới trong đó có Đài Loan (trong ảnh), Philippines và Indonesia

Phong trào 'Chiếm Phố Wall' mà nay đã lan rộng ra khắp thế giới trong đó mới nhất là tới Jakarta, Indonesia, đã vừa bước qua tháng đầu tiên.

Một số người chiếm Phố Wall nói họ lấy cảm hứng từ cuộc xuống đường được biết tới với tên gọi 'Mùa Xuân Ảrập' tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi.

Khẩu hiệu thường thấy của phe phản đối giới tài chính, các ngân hàng và chính trị gia là "Chúng tôi đại diện cho 99%".

Giáo sư có tiếng Jefferey Sachs từ Đại học Columbia ở New York nói với BBC chính quyền và cơ chế hiện nay của Hoa Kỳ, và có thể nói là của thế giới tư bản nói chung, là 'của 1%, do 1% và vì 1%'.

Ông Sachs nói khoảng cách giàu nghèo đã tăng mạnh tại các nước phát triển, nhất là tại Hoa Kỳ nơi 1% hộ gia đình hiện có thu nhập chiếm 20% thu nhập của cả nước so với 10% của năm 1980.

Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ đều là đảng trung hữu, theo ông Sachs, và họ có những chính sách thiên vị giới giàu mà thiếu cải cách chính trị.

Chia 'bánh' không đều

Nhà làm phim và tác giả Michael Moore, một trong những người tham gia phong trào Chiếm Phố Wall, nói cần "chấm dứt" hệ thống tư bản hiện nay.

Ông Moore, một người nổi tiếng với quan điểm cánh tả, nói:

"Đó là hệ thống tàn ác.

"Tôi đang nói về hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu nhất nhận 40% chiếc bánh."

Nhà làm phim Michael Moore

Ông Michael Moore nói cần chấm dứt hệ thống tư bản như hiện nay trong đó một thiểu số chiếm đa số của cải trong xã hội

Ông nói tư bản chủ nghĩa cần được thay bởi một hệ thống trong đó người dân có quyền tham gia vào việc sắp đặt, điều hành hệ thống và 'chiếc bánh' phải được chia đều hơn.

Ông Moore dẫn ra một loạt các con số mà ông không dẫn nguồn trong đó có:

- 400 người Mỹ giàu nhất có nhiều tài sản hơn tổng tài sản của 150 triệu người Mỹ khác.

- 50 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế.

- Hơn 46 triệu người Mỹ sống trong nghèo khổ.

- Từ 13 tới 18 triệu trẻ em Mỹ thiếu dinh dưỡng.

Ông Moore nói cũng giống như phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ cách đây khoảng 100 năm, nhiều người có thể cho rằng các cuộc xuống đường Chiếm Phố Wall là 'kỳ quặc' nhưng sự khởi đầu hiện nay có thể mang lại những thay đổi lớn.

'Mua chính trị gia'

Ngoài khoảng cách giàu nghèo và bất công trong xã hội, nhà phân tích chính sách ngoại giao Hoa Kỳ Richard Haass cũng cho rằng Hoa Kỳ đang đi trên quỹ đạo phát triển "không bền vững".

Ông nói nếu họ không giảm số nợ đi 700 tỷ đô la mỗi năm, số tiền gấp gần bảy lần GDP hiện nay của Việt Nam, thế giới sẽ "đánh thức" nước Mỹ bằng các khoản lãi suất cao hơn cho những khoản vay của Washington.

Điều này đồng nghĩa với ngân sách quốc phòng giảm, các khoản chi tiêu cho viện trợ nước ngoài và chính sách đối ngoại cũng giảm đi.

Bên cạnh đó những ngân sách cho các lĩnh vực mà ông Haass gọi là "yếu tố tạo tính cạnh tranh" của Hoa Kỳ như giáo dục, cơ sở hạ tầng... cũng đi xuống.

Các nhà bình luận nói rằng những vấn đề kinh tế và xã hội hiện nay của Hoa Kỳ trải dài qua các đời tổng thống của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Nhưng cả hai đảng này đều bị tố cáo là không muốn giải quyết vấn đề vì sợ ảnh hưởng tới những người tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của họ mà Phố Wall đóng vai trò trung tâm.

Giáo sư Sachs từ Đại học Colombia ở New York nói giải pháp là "tách tiền ra khỏi chính trị".

Một số nhà phân tích nói nay người ta có thể "mua các chính trị gia một cách hợp pháp" tại Hoa Kỳ vì những người ủng hộ giới tài phiệt đã có mặt tại cả Tòa Tối cao Hoa Kỳ chứ không chỉ trong chính phủ và quốc hội.

'Thách thực quyền lực'

Nhà tư tưởng Francis Fukuyama bình luận trên góc độ toàn cầu rằng quyền lực tương đối của Hoa Kỳ đã giảm đi kể từ năm 1989 do mô hình tư bản chủ nghĩa 'độc đoán' của Trung Quốc đã có những thành công.

Các nhà phân tích nói văn hóa 'thách thức quyền lực' của người Mỹ sẽ giúp đất nước này 'tự đổi mới'

Ông Fukuyama nói nếu Hoa Kỳ không vượt qua được giai đoạn khủng hoảng hiện nay thế giới sẽ rơi vào 'hỗn loạn' do không có nước nào sẵn sàng đứng lên thay vị trí 'lãnh đạo thế giới' mà đi kèm với nó là các khoản chi tiêu lớn.

Nhưng ông cho rằng sự tự tin của người Mỹ và văn hóa thách thức quyền lực của họ sẽ giúp nước Mỹ tiếp tục đi lên.

Ông nói một trong những lý do người Mỹ thích sở hữu súng là họ có thể bảo vệ các quyền công dân khi bị chính quyền xâm phạm.

Tiến sỹ Anne Marie từ Đại học Princeton cũng nói với BBC những khó khăn hiện nay của Hoa Kỳ chỉ là "tạm thời" và Washington cũng đã từng trải qua những giai đoạn tương tự.

Bà nói Hoa Kỳ có năng lực "tự đổi mới" và giới trẻ luôn được đào tạo để "thách thức quyền lực".

Vị tiến sỹ nói nhiều sinh viên hàng đầu của các nước khác trên thế giới đều phải học văn hóa "thách thức giáo viên thay vì nhắc lại" những gì giáo viên nói khi học ở Hoa Kỳ.

Bà Marie cũng nói người Mỹ có sự "lạc quan" và "kết nối" chưa từng có trong lịch sử với 67% giới trẻ nói rằng họ sẽ có những giai đoạn sống ở ngoài nước Mỹ.

Nhưng những người đang tham gia phong trào Chiếm Phố Wall có lẽ không chia sẻ sự lạc quan này.

Họ nói rằng từ "đủ" đã biến mất khỏi từ vựng của thế giới tư bản và "lòng tham" cũng như sự "thờ ơ" đang khiến cho bất bình đẳng và bất công tăng cao.

Sự lan rộng của phong trào Chiếm Phố Wall và của Mùa Xuân Ả Rập trước đó cho thấy sự hiện diện của một làn sóng bất bình đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhưng cũng giống sự bất bình đẳng mà những người biểu tình phản đối, không phải ở bất cứ nơi nào sự bất bình cũng có điều kiện để được bộc lộ ra bên ngoài.

Ngoại giao Việt Nam và tài năng xếp gạch

Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2011-10-12, 16:23

Bình luận (15)

Hai lãnh đạo Đảng Hồ Cẩm Đào và Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh hôm 11/10/2011

Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, người ở cương vị Tổng Bí Thư Đảng cầm quyền ở Việt Nam đã dẫn một phái đoàn đông kỷ lục gồm cả ba ủy viên Bộ Chính trị, bảy bộ trưởng của Việt Nam sang Trung Quốc.

Nền chính trị Trung Hoa luôn trọng các con số to nên đội hình Việt Nam chắc có mục tiêu đáp ứng nhu cầu đó.

Nhưng con số cũng đóng vai trò quan trọng ở góc độ các nước tham gia vào chủ đề Biển Đông ngày càng nhiều đã tạo đà cho Việt Nam nói chuyện lại với Trung Quốc.

Chuyến đi cho thấy xu hướng đa phương đã thắng cách nhìn song phương cho vùng biển quốc tế này.

Rộng hơn, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nêu kiến nghị cho quan hệ Trung - Việt "tăng cường trao đổi và điều phối trong các cơ chế đa phương", một điểm thừa nhận Trung Quốc dù vươn lên mạnh mẽ cũng không thể đứng riêng một cực.

Thời gian qua, các bước đi của Trung Quốc ở Bắc Phi cho thấy một cách tiếp cận thực tiễn hơn trước.

Đài Trung Quốc (CRI) cũng trích lời TBT Nguyễn Phú Trọng nói cách giải quyết vấn đề trên biển, "không để cho vấn đề ảnh hưởng đến tình cảm của nhân dân hai nước", chứng tỏ thái độ người dân bày tỏ trên mạng và trên đường phố được ghi nhận.

Năng lực cầm quyền

Nhưng nói về ngoại giao thì cũng phải nói về nội trị ở cả hai nước.

Ông Ngô Bang Quốc nói với ông Nguyễn Phú Trọng về chuyện "cùng nhau nâng cao năng lực và trình độ cầm quyền của Đảng Cộng sản".

Rõ ràng là ngay tại Trung Quốc hiện nay, một luồng dư luận công khai đang đòi hỏi nhà chức trách thay đổi cách điều hành đất nước.

Và họ công khai nói về chuyện đó.

Tờ China Daily bản tiếng Anh phát không ở châu Âu tuần này nhắc đến dự án công ty Trung Quốc xây đập Myitsone bị Miến Điện ngưng.

Trong bối cảnh đó, công trình Trung Quốc xây đường xe điện trên cao cho Hà Nội quả là món quà vui Giáo sư Trọng mang sang Bắc Kinh.

Nhưng khi nghe tin đó, một người bạn từ BBC Tiếng Trung đùa với tôi: "Nhắn phía Việt Nam cẩn thận kẻo bị sập".

Không phải các nhà báo BBC bi quan về hợp tác Trung - Việt mà chính ở Trung Quốc hiện nay đang có không ít người lo ngại về các dự án chạy theo thành tích, bỏ qua chất lượng và an toàn.

Dư luận Trung Quốc đang chuyển biến mạnh sau vụ tàu cao tốc đâm nhau ở Ôn Châu hồi tháng 7, làm chết 40 người.

Họ đang muốn đánh giá lại những gì thực sự đạt được trong 3, 5 hay 10 năm qua, hay chỉ "giả vờ đạt được", theo ông Edward Tse, tác giả cuốn 'The China Strategy', được trích đăng trên China Daily.

Trên tờ Caixin thì có dòng tít lớn "Cracking China's Image" (Hình ảnh Trung Quốc vỡ nát) trên trang bìa và bài bên trong nói về các dự án thua lỗ tỷ USD mà các đại tập đoàn Trung Quốc khi tung ra làm ăn ở Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ và Ba Lan.

Điều này cho thấy cách điều hành nền kinh tế của Trung Quốc đúng là cần "nâng cao năng lực" như ông Ngô Bang Quốc nói.

Mặt khác, đây cũng là ví dụ rằng truyền thông Trung Quốc không chỉ mạnh mẽ khi nói về chủ quyền biển đảo mà còn thẳng cánh phê phán các vấn đề nội bộ của họ.

Phái đoàn Việt Nam gồm cả Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh chắc sẽ ghi nhận tinh thần cởi mở này để nghĩ lại về không gian họ dành cho báo chí Việt Nam.

Bạn thử tưởng tượng một tờ báo Việt Nam nào dám chạy tựa "Con tàu đắm Việt Nam" về vụ Vinashin.

Việt Nam tạo biến chuyển trong ngoại giao nhờ bỏ thái độ 'sợ làm Trung Quốc giận' thì phải chăng báo chí cũng cần bỏ nếp nghĩ 'viết mạnh sợ lãnh đạo phật lòng'?

Xếp từng viên gạch

Tin không vui và làm tôi suy nghĩ nhiều là trong cuộc thi World Skills 2011 ở Anh tuần qua Việt Nam không đoạt được huy chương nào mà chỉ đem về 7 chứng chỉ ở các môn Công nghệ may thời trang, Nấu ăn, Lắp cáp mạng thông tin, Điện tử, Xây gạch, Công nghệ thông tin và Thiết kế trang web.

Con số quả là rất nhỏ trên tổng số 950 chứng chỉ cấp cho 50 quốc gia tham dự Hội thi tay nghề quốc tế ở khu Excell, phía Đông London.

Đã sang thập kỷ thứ nhì của Thế kỷ 21 mà thế hệ trẻ Việt Nam chỉ được khen là khá môn 'nấu cơm, xếp gạch' thì quả là chuyện báo động, đặt câu hỏi mục tiêu hiện đại hóa đến 2020 có còn chắc trong tay?

Ngoài ra, số huy chương cho các bạn trẻ từ Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Macao nhiều hơn hẳn Trung Quốc lục địa, và một huy chương đồng cho Nguyễn rơi vào tay Paul Nguyen từ Pháp là bằng chứng rằng nguồn gốc không quan trọng bằng môi trường giáo dục khuyến khích sáng tạo.

Câu hỏi là làm gì để cải tổ nếu năng lực cầm quyền của Đảng và kỹ năng lao động của Dân ở Việt Nam đều cần nâng cao?

Để đất nước đi lên, bên cạnh hy vọng rằng Đảng sẽ mở rộng tầm nhìn, thông thoáng cơ chế hơn, trí thức và xã hội cũng cần chủ động tiến bước, từng bước nhỏ sẽ thành bước lớn.

Chính phủ Việt Nam đã và đang ký đối tác chiến lược với một loạt nước.

Nhưng điều rất cần là Đảng và Nhà nước ký một Đối tác Chiến lược với chính Nhân dân và Xã hội Việt Nam nêu rõ các quyền và trách nhiệm của hai bên nhân đợt cải tổ hiến pháp đang diễn ra.

Một cơ hội nữa là dự án Đức giúp Việt Nam cải tổ hệ thống pháp luật nêu ra trong chuyến đi của Thủ tướng Angela Merkel sang Hà Nội tuần này.

Và cũng cần hy vọng, như các điểm sáng của đối ngoại đa phương vừa qua cho thấy, Việt Nam sẽ vượt lên chính mình nếu tích hợp được các cơ hội nhỏ thành dòng sức mạnh lớn.

Không làm ngay được việc lớn, quyết liệt như Trung Quốc thì Việt Nam nên thử làm những bước nhỏ, kể cả như xếp từng viên gạch phù hợp với sức mình để đi xa hơn.

"Bạn phải tìm cho ra mình yêu cái gì!"

Nguyễn Xuân | 2011-10-06, 12:51

Bình luận (5)


Sáng nay tôi thức dậy với tin: Steve Jobs - cha đẻ của hãng máy tính Apple - qua đời ở tuổi 56.

Mặc dù không phải là một 'tín đồ' cuồng nhiệt cho các sản phẩm bóng loáng của hãng Apple nhưng tôi cũng thấy lòng mình chùng xuống. Tôi buồn và tiếc vì thế giới ngày hôm nay mất đi một con người có tài, có tâm, có tầm và dĩ nhiên có rất nhiều tiền nữa.

Trong phạm vi bài blog này, tôi chỉ xin chia sẻ với các bạn vài suy nghĩ về chữ 'tâm' của Steve Jobs.

Ngày 14/06/2005, tại trường Đại học Stanford lừng danh thế giới của Hoa Kỳ, Steve Jobs đã chia sẻ câu chuyện 'tình yêu và nỗi mất mát' của mình trước các tân sinh viên vừa tốt nghiệp đại học xong, vẫn còn chân ướt chân ráo trước ngưỡng cửa sự nghiệp của mình đang mở ra trước mắt.

Cuộc đời của Steve Jobs và hãng Apple không phải lúc nào cũng một màu hồng. Năm 30 tuổi, ông bị Hội đồng quản trị của hãng Apple do chính tay mình tạo dựng sa thải, do bất đồng quan điểm với vị giám đốc điều hành lúc bấy giờ là John Sculley.

Chua xót. Ê chề. Nhưng ông nhận ra ngọn lửa đam mê công nghệ trong lòng ông vẫn còn đó. Năm năm sau, Steve Jobs đã thành lập nên một công ty mới mang tên NeXT và một công ty nữa mang tên Pixar, hãng sản xuất ra bộ phim hoạt hình điều khiển bằng máy tính đầu tiên trên thế giới với tựa đề Toy Story (Chuyện đồ chơi).

Thông điệp đơn giản mà ông muốn nhắn nhủ qua câu chuyện trên là: "Bạn phải tìm cho ra mình yêu cái gì!" (You've gotta find what you love). Điều này, theo quan điểm của ông, đúng cho cả công việc và cuộc sống. Bởi vì lập luận của ông là phần lớn cuộc đời của mình xoay quanh công việc mình làm. Nếu muốn cảm thấy thật sự thỏa mãn trong công việc thì phải tin rằng mình đang làm việc tốt. Mà muốn làm việc tốt thì phải yêu thích nó. Nếu chưa tìm ra thì phải tìm tiếp.

Đối với ông, những gì thuộc về tâm huyết thì tự khắc cái tâm nó sẽ biết. Cũng như trong chuyện tình cảm - càng lớn tuổi thì càng sâu thắm, và cũng như gừng, càng già càng cay.

Quả là một thông điệp màu hồng, đầy niềm khích lệ và hy vọng. Tôi xin kể lại câu chuyện trên như một phần tưởng niệm cuộc đời và sự nghiệp Steve Jobs - người đã dám sống cho 'tình yêu' của mình.

Nhưng 'tình yêu' là đề tài rất lớn, tốn không biết bao nhiêu giấy mực và công sức của nhân loại rồi, nên tôi xin không triển khai thêm ở đây. Và nó cũng là đề tài rất riêng cho mỗi người chúng ta, nên tôi để cho bạn một chút riêng tư để suy nghĩ về nó.

Xin cám ơn và chào vĩnh biệt Steve Jobs! Chúc ông yên nghỉ nơi chín suối...


bbc.co.uk navigation

BBC © 2011

BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

Trang này hiển thị tốt nhất với phần mềm lướt mạng có mở CSS. Nếu không có chức năng này, hoặc phần mềm cũ, bạn vẫn đọc được nội dung trên trang này nhưng không tận dụng được hết các chức năng. Nếu có thể hãy nghĩ đến chuyện nâng cấp phần mềm hoặc mở CSS lên.